Blog tiêu điểm - Tết, mỗi người dù đi đâu cũng muốn về với mái ấm gia
đình. Nhưng với những bệnh nhân nghèo ở xóm chạy thận Ngọc Hồi (Thanh
Trì, Hà Nội) lại sợ Tết, vì nghỉ Tết đồng nghĩa với việc không được điều
trị. Nhiều người phải cấp cứu trong ngổn ngang nỗi lo, bộn bề trăn trở,
bởi cảm giác gánh nặng đeo đẳng họ giữa những ngày vui đoàn tụ.
Vườn rau tự cung tự cấp cho xóm chạy thận. Ảnh: Quang Lộc. |
Nương tựa nhau tìm sự sống
Chúng tôi đến xóm chạy thận Ngọc Hồi vào những ngày
cuối năm. Trong con ngõ nhỏ tĩnh lặng, thời tiết lạnh thêm phần ảm đạm.
Những thân hình tiều tụy, xanh xao đang đấu tranh với bệnh tật giành sự
sống, tách biệt với dòng người Thủ đô đang tưng bừng chuẩn bị đón xuân
về. Sở dĩ người ta gọi nơi đây là xóm chạy thận vì đã hàng chục năm qua,
những bệnh nhân suy thận mãn tính đã tụ nhau lại, thuê nhà sinh sống để
chạy thận theo định kỳ. Ở đây giờ có 11 con người, 11 mảnh đời khác
nhau, họ cùng ăn, ở, cùng chạy thận và cùng khát vọng được kéo dài sự
sống.
Bác Nguyễn Duy Sứng, một “công dân” lâu nhất của xóm
trọ đã chạy thận hơn 10 năm qua. Bác tâm sự: “Những người ở trọ đây cứ
người này chạy thận đến lúc mất lại có người mới đến thay. Xóm trọ 11
phòng lúc nào cũng có người thuê. Ở đây toàn người từ các tỉnh đến điều
trị, cùng cảnh thiếu thốn, bệnh tật nên hiểu và thông cảm cho nhau, luôn
xem nhau như gia đình, cùng nhau đấu tranh với thần chết".
Bữa cơm đạm bạc của bệnh nhân xóm chạy thận. |
Trong những căn nhà cấp 4 lụp xụp, những bệnh nhân chạy
thận đang phải đấu tranh từng ngày, từng giờ với bệnh tật. Không ai
chăm sóc, họ cùng nương tựa vào nhau. Ông Nguyễn Văn Thược, 64 tuổi, quê
Hà Nam lên chạy thận ở xóm trọ này đã 7 năm. Đôi mắt hoe đỏ, giọng
chùng xuống: “Ở đây ai cũng một thân một mình chống chọi với bệnh tật.
Cô đơn và tủi thân lắm nhưng phải chấp nhận chứ biết làm thế nào. Căn
bệnh này không phải điều trị ngày một, ngày hai là khỏi, không có điều
kiện thay thận thì phải chạy suốt đời. Mấy tháng đầu thì còn có người
nhà chăm sóc, nhưng về sau gánh nặng chi phí, gia đình thì làm nông
không có tiền nên người thân cũng phải về làm ăn chứ không thể ở mãi
được. Ở xóm này những người cùng cảnh chăm sóc lẫn nhau lúc khó khăn đau
ốm thì dìu nhau tới viện”.
Yêu nhau chỉ làm cô ấy thêm khổ. Mình đây biết sống chết lúc nào, lại làm khổ đời con gái người ta
Anh Khương tâm sự
|
Gần 4 năm chạy thận, anh sụt gần chục kg, nụ cười thưa
dần trên môi. Mỗi tuần anh đến bệnh viện lọc máu 3 lần, mỗi lần kéo dài 3
- 4 tiếng đồng hồ. Tiền chạy thận, tiền thuốc, tiền thuê trọ và sinh
hoạt, tính nhẩm, những bệnh nhân như Khương phải chi ít nhất 3 triệu
đồng/tháng để duy trì sự sống, chưa kể những lần cấp cứu. Khương đã phải
từ bỏ mối tình đầu của mình trong nước mắt.
Anh Lê Văn Khương. |
Anh bảo: “Yêu nhau chỉ làm cô ấy thêm khổ. Mình đây
biết sống chết lúc nào, lại làm khổ đời con gái người ta. Mình đến đây
chạy thận may gặp các cô, chú, anh chị trong xóm chỉ bảo chuyện ăn, ở;
khi đau ốm có người giúp rau cháo, nếu không thì chẳng biết có sống nổi
không”.
May mắn hơn trong xóm trọ chạy thận là bà Lê Thị Thanh,
64 tuổi quê Hà Nam khi bà được chồng là ông Nguyễn Mạnh Quỳ 64 tuổi
chăm sóc suốt 3 năm qua. Ông Quỳ chia sẻ: “Ở cái tuổi này lẽ ra đang
sống vui vẻ bên con cháu, nhưng chẳng may bà nhà lại bị căn bệnh này nên
vợ chồng già phải dắt nhau đi chữa nơi đất khách quê người. Ở đây, mỗi
mình tôi là người còn khỏe nên luôn cố giúp đỡ những người bệnh trong
xóm vì họ phải ở một mình”.
Cuộc sống nhờ bảo hiểm hộ nghèo
Những bệnh nhân chạy thận ở đây đều thuộc diện hộ
nghèo nên được địa phương cấp bảo hiểm y tế. Mỗi lần chạy thận cũng được
hỗ trợ kinh phí từ 80 - 95% (khoảng 350 - 400 nghìn đồng/1 lần). Để có
thể chạy thận, người bệnh còn phải bỏ tiền mua thêm thuốc và nhất là bồi
dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi sau mỗi lần chạy thận mới mong kéo dài
sự sống. Số tiền phụ thêm ấy thấp nhất cũng phải 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Bệnh nhân sau khi chạy thận ở đây luôn phải đối diện với những biến
chứng như tim mạch, huyết áp, khớp, dạ dày… Người bệnh phải tuyệt đối
giữ ven tay, tránh làm việc nặng, nếu đã để vỡ ven phải sử dụng đến ven ở
cổ, ở bẹn rất nguy hiểm đến tính mạng.
Những bệnh nhân đến điều trị ở đây không hề đơn giản.
Để tiết kiệm, họ trọ trong những căn nhà cấp 4 ẩm thấp, lụp xụp, mỗi
tháng cả điện, nước cũng tốn đến 700 - 800 nghìn đồng. Sau mỗi lần chạy
thận, họ không có tiền để mua thuốc. Có nhiều bệnh nhân do quá khó khăn
phải dừng việc điều trị, về quê. Có không ít người bệnh thấy mình làm
khổ cho cả gia đình nên không muốn chữa trị, buông xuôi tất cả để mau
chóng kết thúc cuộc đời cho người thân đỡ khổ.
Bác Sứng nước mắt lưng tròng tâm sự: “Tôi sống được đến
hôm nay là do có bảo hiểm hộ nghèo. Có nhiều lúc, biết bệnh mình đã
nặng phải đi cấp cứu nhưng đành đánh cược với thần chết không đi, vì khi
cấp cứu tiền bảo hiểm không trả hết mà nhà chẳng có tiền. Tôi khổ vì
bệnh tật đã đành, nhưng còn làm mọi người trong gia đình phải khổ theo,
nợ nần chồng chất vì tiền điều trị, năm nào cũng phải vay vốn hộ nghèo
để chữa bệnh. Mai này mất đi chỉ khổ vợ con gánh đống nợ”.
Nhìn bữa cơm của những bệnh nhân trong “xóm chạy thận”
không khỏi chạnh lòng bởi đông lạnh tê tái, họ chỉ lưng cơm và bát canh
hoặc mớ rau luộc sau khoảnh vườn tự cung tự cấp.
Sợ những ngày lễ Tết
Năm mới đến gần, những bệnh nhân chạy thận trong xóm
trọ đều sợ khi nhắc đến việc nghỉ điều trị về quê ăn Tết. Ông Thược buồn
rầu chia sẻ: “Tết thì ai chẳng muốn về quê đoàn tụ với gia đình vợ con
đón xuân mới. Nhưng từ khi bị căn bệnh này đã bao giờ chúng tôi được
hưởng trọn vẹn niềm vui ấy đâu? Nghỉ tết tận 4 đến 5 ngày, những ngày đó
không được chạy thận thì lượng độc tố trong người sẽ tăng cao, nhiều
người phải đi cấp cứu vào mồng 1, mồng 2 Tết. Những lúc ấy đều phải làm
dịch vụ tốn nhiều tiền lắm, thêm gánh nặng cho gia đình".
Anh Khương tâm sự: “Ngày Tết ai chẳng muốn về quê,
nhưng năm ngoái tôi về đón Tết đã không đem lại niềm vui mà còn khiến
cho người thân thêm lo lắng. Về nhà đến ngày mồng 2 Tết, tôi phải đi
viện cấp cứu, mẹ và hai em lại phải khóc hết nước mắt. Năm nay, em tôi ở
quê cứ gọi điện liên tục hỏi khi nào về nhà ăn Tết, tôi không biết phải
làm sao nữa”.
Theo PGS.Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Nguyên Khôi: “Chạy
thận thì phải theo suốt đời, nếu ngừng chạy thận thì bệnh nhân sẽ tử
vong. Hiện nay, điều kiện chạy thận của chúng ta cũng chưa chuẩn bị đủ
cho tất cả bệnh nhân suy thận. Tôi biết, có những nơi trong 6 tháng chạy
thận đã 5% bệnh nhân chết. Muốn sống lâu thì bệnh nhân cần được chẩn
đoán sớm. Đến giai đoạn cần chạy thận thì phải điều trị ngay và luôn
tuân thủ phác đồ điều trị”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét