Không sinh con thứ 3 để vượt khó việc vượt khó là vấn đề chung của cả xã hội và cộng đồng. Không sinh con thứ 3 sẽ là điều chúng ta cần học tập ở đây.
Chung suy nghĩ sinh nhiều không có điều kiện
cho con ăn học, lại thua hàng xóm về kinh tế, người dân thôn Tân Ninh
(xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Linh, Quảng Trị) gần 20 năm qua không sinh con thứ
ba.
Trưởng thôn Nguyễn Quang Long lần dở sổ hộ khẩu cho biết, thôn Tân Ninh
thành lập năm 1995 với 38 hộ và 188 khẩu. “Từ đó đến nay, thôn không có
gia đình nào sinh con thứ ba. Nhờ đó mà Tân Ninh luôn dẫn đầu xã Vĩnh
Hiền không chỉ về kinh tế mà các mặt văn hóa, thể thao và nhiều phong
trào khác”, trưởng thôn Long nói.
Năm 2005 nhà nước phát động không sinh con thứ ba thì thôn Tân Ninh có
48 hộ với 218 khẩu. Hiện có 59 hộ nhưng số khẩu giảm xuống 213 là vì con
gái trong thôn đi lấy chồng, người già mất.
Gia đình anh Lê Văn Toàn - chị Nguyễn Thị Ninh cùng mẹ già và bé gái thứ hai trước cuộc sống của hai vợ chồng. Ảnh GĐCC.
|
Anh chị Lê Văn Toàn và Nguyễn Thị Ninh lấy nhau năm 1997 rồi sinh bé
gái đầu lòng sau đó một năm. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn mà quên mất
nhiệm vụ sinh cháu trai nối dõi tông đường. 10 năm sau, khi kinh tế đã
ổn thì anh chị mới sinh thêm bé gái nữa.
Mẹ chồng chị Ninh là bà Nguyễn Thị Tụy cũng muốn có nếp có tẻ. “Nói
thật là lúc ấy mình cũng buồn. Trời sinh voi nhưng người phải sinh cỏ.
Mình sinh thì mình dưỡng chứ có ai nuôi giúp mình đâu, một đứa đã vất vả
thế, mình mà sinh 3 thì càng khó. Ngày nào cũng tỉ tê tâm sự nên mẹ
hiểu, thông cảm với quyết định không sinh thêm con thứ ba của hai vợ
chồng”, chị Ninh thổ lộ.
So với trước đây, kinh tế gia đình khá giả hơn rất nhiều nhưng anh chị
Toàn - Ninh quyết định dừng lại ở 2 con gái. “Muốn thoát nghèo thì nhất
định phải sinh ít con. Sinh nhiều không có điều kiện nuôi các cháu ăn
học”, anh Toàn tâm sự. Sáng vợ chồng đưa con đi học, chiều đón về,
chăm cho các con từng miếng ăn, giấc ngủ, học hành. Trong ngày anh chị
làm cỏ vườn lạc, hết mùa lạc lại trồng môn, chăm sóc vườn cao su.
“Bây giờ nuôi con khó hơn thời trước của các cụ, không còn là trời sinh
voi sinh cỏ nữa mà phải đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc hơn. Con cái
là của trời cho, làm sao biết sinh đứa thứ ba là trai hay gái. Tôi nhận
thức con gái cũng như trai, cơ bản là con học hành giỏi giang làm rạng
danh cha mẹ, ông bà”, anh Toàn chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tụy, mẹ chồng chị Ninh giờ không còn câu nệ gái trai
nữa, quan trọng với bà là các cháu học giỏi, vâng lời, chăm ngoan. Ảnh: Quang Hà.
|
Con gái của anh Toàn được tiếng học giỏi nhiều năm qua. Học lớp 10
nhưng cháu đã tự định hướng và phấn đấu thi vào ĐH Y dược. Đầu tư cho
con ăn học, anh Toàn mới sắm bộ máy vi tính. Bà Tụy vốn nặng lòng với
quan niệm nhà có con nối dõi giờ thay đổi và rất hài lòng với con dâu
cùng hai cháu nội ngoan hiền. Nhiều năm nay, gia đình anh Toàn chị
Ninh được xóm giềng biểu dương mẹ chồng nàng dâu sống hòa thuận, con
cái học giỏi, hiếu thảo, kinh tế vững mạnh.
Vợ chồng anh Toàn không phải là gia đình cá biệt sinh con một bề ở Tân
Ninh. Toàn thôn có 6 gia đình sinh con một bề là gái, 7 gia đình một bề
là trai, có 5 hộ mới cưới sinh một con, còn lại đều sinh hai con. Vợ
chồng anh Lê Văn Thơ chị Bùi Thanh Nhàn dừng lại ở 2 con trai để nuôi
dạy cho tốt. “Thời buổi này ai còn phân biệt trai gái làm gì. Hai đứa
con vui vẻ trong nhà rồi, cố gắng nuôi con ăn học mới là tính kế lâu
dài. Tôi hay đùa anh em trong thôn là mi hai gái thì chú bác trong thôn
gả cho nhau, rứa là trọn cả trai gái”, anh Thơ cười vui.
Quan niệm có nếp có tẻ không còn trong suy nghĩ của người dân nơi đây.
Đẻ con ít, nuôi dạy con ngoan, kinh tế phát triển mới là ưu tiên hàng
đầu của người dân thôn Tân Ninh.
Dừng lại ở hai con giúp nhiều gia đình có điều kiện đầu tư cho con ăn học. Ảnh Quang Hà.
|
“Thôn mới thành lập, vợ chồng trẻ nhìn nhau làm ăn. Mình mà sinh đứa
thứ 3 là thua bà con ngay, chưa kể việc đầu tư ăn học và chất lượng cuộc
sống cho các cháu sẽ giảm xuống", trưởng thôn Long phân tích. Trong
thôn đa phần gia đình trẻ, một thế hệ nên ít chịu áp lực con trai nối
dõi của ông bà. Các ngành đoàn thể, chính quyền tích cực vận động, tuyên
truyền nên toàn thôn Tân Ninh mới có được thành tích gần 20 năm không
sinh con thứ ba.
Minh chứng rõ nét nhất cho sự thay đổi về đời sống là mức thu nhập bình
quân 5-6 triệu đồng mỗi người một năm ở thời điểm 2005 đã tăng nhanh
chóng lên 30 triệu đồng. Nhà người dân bây giờ khang trang với nhiều
phương tiện hiện đại thay thế sức lao động con người.
Nhờ đó, nhiều năm qua, thôn Tân Ninh trở thành điển hình cho nhiều địa
phương về kế hoạch hóa gia đình và phát triển kinh tế. Cứ mỗi dịp lễ
tết, người dân thôn Tân Ninh lại đóng góp làm bữa tiệc tất niên để bà
con, anh chị em động viên và chia sẻ nhau kinh nghiệm làm ăn kinh tế.
Qua đó, dân trong thôn tăng cường tình đoàn kết và quyết tâm giữ gìn
truyền thống không sinh con thứ ba.
Theo: Vnexpress.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét