Quảng cáo

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Xăm người "Đua đòi" hay là "Nghệ thuật"

Xăm người "Đua đòi" hay là "Nghệ thuật"

Một hình xăm nguệch ngoạc vô lối, ngầu bụi, dữ dằn, vằn vện trên ngực kẻ giang hồ khiến người đời kinh sợ, xa lánh. Một họa bì tinh tế, e ấp ở khe ngực sâu, hay nơi cánh tay trần nuột nà của cô gái trẻ làm người ta xao xuyến, thẫn thờ. Không phải ai cũng biết cách che giấu cái người khác không thích nhìn và phô khoe cái người ta muốn ngắm.
Những hình xăm trên da người
Tiếng Anh "tattoo" là hình xăm trên da, còn vẽ và xăm nghệ thuật trên da ở Trung Quốc gọi là “họa bì”. Tục xăm hình có từ thời cổ đại. Người Lapps ở Bắc Âu, người Ainu ở Nhật Bản, người Tasadays ở Philippines, người Hopi Indians ở phía Bắc nước Mỹ đều có tục xăm hình với nhiều mục đích khác nhau.
Thời đêm trường nô lệ, những người da đen Phi châu bị khắc dấu lên trán trước khi đưa lên tàu thủy vượt Đại Tây Dương bán sang vùng đất mới châu Mỹ làm nô lệ vì chủ nô chỉ sợ họ trốn. “Báo tử đầu” Lâm Xung bị đi đày ở Thương Châu, thù hận không đủ còn mang nỗi nhục bị thích chữ vào trán, đành phải sung vào 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Thời Ấn Độ cổ đại nghiệt ngã, nếu đạo sĩ Bà La Môn phạm tội thông dâm thì bị xăm rõ hình bộ phận sinh dục đàn bà lên trán, thực ra là một cách trừng phạt làm cho người phạm tội nhục nhã và cũng là biện pháp ngăn ngừa tái phạm.
Sách Lĩnh Nam chích quái viết: "Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua… Vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thuỷ quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy”. Thời Trần, thể hiện đoàn kết tinh thần thượng võ chống giặc ngoại xâm bằng cách thích hai từ “Sát thát” (giết giặc Tarta) lên cánh tay.
Dân gian có câu “trông mặt mà bắt hình dong”. Có nghĩa là xem tướng mặt sẽ biết được tính cách con người. Ví như: Những kẻ mép mờ không rõ, mũi to và khoằm, lỗ mũi to trống hoác… là tướng hung bạo, nóng nẩy. Người trán nhỏ có hình góc, lưng mỏng ngực lép, mắt lấm lét sợ hãi, mũi đã cong lại tẹt, mặt mày tăm tối… ắt là kẻ hèn, bần tiện. Những nàng trán phẳng, cao và thoáng, đầu tròn xương nhỏ, da mỏng mịn màng, hai môi hồng hào, hàm răng trắng, mắt dài mi rậm và cong, ngón tay thon dài… là con gái đẹp. Còn các nàng gò má cao, khi nói thì nhô hầu hở lợi, môi thâm sì, mắt trắng dã, da thô và khô là… con gái xấu.
Trông hình xăm cũng có thể biết được tính cách, cá tính của hạng người như thế nào. Công việc viết văn, viết báo đưa tôi đến nhiều trại giam, và tôi đã được thâm nhập vào thế giới hình xăm không quá khó khăn. Chẳng hạn như cõi hình xăm của giới giang hồ, tù tội là một thế giới đa dạng:
Một cánh tay đầy những đường nét kỳ dị, xăm hình rắn quấn với đại bàng giơ móng vuốt… thì rõ là kẻ nham hiểm và có khát vọng làm con đầu đàn. Cái thói này, nếu không vô tình bộc lộ khát vọng trị vì, sai khiến kẻ khác thì cũng chủ ý cảnh báo bọn đàn em đang ẩn mầm làm phản.
Một cái ngực ngang tàng xăm hai chữ “Hận đời” phía trên là mũi tên có cánh, đầu nhọn hoắt xuyên ngập qua hình quả tim; đường xăm đen xanh đậm... ắt là kẻ thua thiệt ở đời, hoặc bị bỏ rơi, cay cú hằn học nuôi mối thù hận nào đó chưa trả được. Chẳng gái ngoan xinh đẹp con nhà tử tế nào dám đêm đêm ôm ấp cái “Hận đời” ấy; thậm chí dù là gái xấu ma chê quỷ hờn, ế chỏng ế chơ cũng không dám xin một đứa con vui cửa vui nhà từ cái gã “Hận đời” ngùn ngụt ngọn lửa thanh toán đòi nợ ấy.
Một cái bụng săm hình cái đầu lâu, hai hố mắt sâu thẳm, đầu đặt trên hai cái xương chéo in rõ nơi giữa bụng… là kẻ có đầu óc u tối, lì lợm, sống trong bóng tối nhiều hơn là ban ngày. Chẳng có ai cả gan nằm bên, thậm chí nhìn thấy đã tránh xa như tránh hủi cái hình bộ xương gớm ghiếc đó.
Vô vàn hình xăm tùy theo ý thích. Học đòi xăm. A dua xăm. Tuổi bốn mươi ít người đi xăm hình, nếu có chỉ để làm đẹp khi cơ thể tươi tốt đang bị mài mòn héo rũ bởi thời gian nghiệt ngã và cuộc sống mưu sinh. Xăm hình giật thành cơn, thành “mốt” thành “phong trào” vẫn thuộc về những người trẻ. Người xăm trước mang cái hình âm dương bát quái hoặc đầu con hổ nhe nanh nhọn hoắt như thể đang gầm; thì người xăm sau phải tìm được cái hình độc đáo hơn hẳn, ví như hình đốm lửa cháy luyện lưỡi kiếm cong Thổ Nhĩ Kỳ hay hình phụ nữ khoả thân, đôi vú vồng lên, còn đôi chân dạng tè he ra. Đố ai theo được kẻ cuồng loạn xăm cả hình bộ phận sinh dục đàn ông, đàn bà lên da thịt mình.
Nhưng, bỗng đâu xuất hiện hình xăm quái đản bộ đôi hắc xà - rồng đen, đuôi thì trên vai uốn lượn, khúc giữa quấn tròn quanh vú rồi mới nguềnh ngoàng bò tận bụng dưới, thò đầu há miệng, nhe lưỡi thia lia xuống tận háng như đang tranh nhau chỗ nhạy cảm của con người... một cách bệnh hoạn. Xem ra cuộc đua bốc đồng xăm hình chưa biết bao giờ mới đến hồi kết thúc.
Thời Tam Quốc, dũng tướng Hạ Hầu Đôn là người của Tào Tháo ở trận chiến Lạc Hậu, đánh hăng quá bị một mũi tên xuyên vào mắt. Không thể bỏ trận giữa chừng, ông rút mũi tên ra thì kéo luôn cả con ngươi mắt, đau đớn khủng khiếp. “Tinh cha huyết mẹ, sao lại vứt bỏ!”, ông nói rồi nuốt luôn con mắt đỏ máu của mình. Dũng khí của Hạ Hầu Đôn khiến đối phương khiếp sợ và ngàn đời sau vẫn kính nể con người hảo hán. Thân thể quý báu là kết tinh truyền giống của tổ tiên, là của để dành của cha mẹ, cần phải được nâng niu giữ gìn, trong khi đó nhiều kẻ trẻ người non dạ xăm hình vô lối biến da thịt thành cánh đồng để cày bừa, thành bãi chiến trường để múa giáo khua gươm.
Thế giới hình xăm trong giới giang hồ tù tội phản ánh muôn mặt cuộc sống thường nhật với những hỉ nộ ái ố theo con đường lừa lọc, đòi nợ, thanh toán. Tôi đồ rằng, trước khi vào ngục tù thế giới hình xăm này đã hù họa, dọa nạt, nát, làm kinh sợ không biết bao người yếu bóng vía. Cũng có loại hình xăm biểu tượng của băng nhóm. Băng Trâu đen thì xăm cái đầu trâu đực cong sừng cánh ná. Băng Hắc xà thì xăm hình con rắn quấn.
Băng Hổ lửa thì xăm hình đầu cọp nhe răng... Thử hỏi: Có bao giờ họ nghĩ đến những đứa con nhỏ bé tội nghiệp suốt thời trẻ thơ phải sống trong thế giới hình xăm kì dị, gớm ghiếc và khu rừng hình xăm quái dị ấy sẽ đi vào giấc mơ con trẻ, sẽ hình thành tính cách hoặc là dữ dằn hung bạo, hoặc là lạnh lùng, khép kín để rồi chờ đến một lúc nào đó bùng nổ thành kẻ sát nhân.
Có kẻ xăm nát cả lưng, thậm chí xăm kín mình mẩy bằng bộ đôi rồng phượng uốn lượn với vô vàn vẩy, vây, lông, móng... như một sự khẳng định uy quyền. Ôi trời! Giá mà họ vươn được tới các giá trị thượng lưu quý tộc trị vì thiên hạ như vua Thụy Điển, vua Đan Mạch, Nicolas II… phải cậy nhờ các tattoo artist người Nhật xăm hình rồng trên da để biểu trương thanh thế giai cấp cai trị con dân; đằng này xăm lân li quy phượng, nhưng hỏi ý nghĩa biểu tượng của các con vật ấy cũng tịt mít. Chắc chắn không một bà mẹ nghèo nào lại thích thú con mình xăm hình rồng kín người là lại ở trong nhà tù.
Những kẻ sinh ra để sống trong bóng đêm ấy thường lấy cuộc hành xác xăm hình thủ công đau đớn như một thử thách chứng minh bản lĩnh chứ ít khi tìm đến xăm hình nghệ thuật. Xăm thủ công thường là lấy kim nhọn hơ lửa, nhúng vào mực thường là nhọ nồi, than củi, sang hơn mới là mực nho, rồi thích vào da thịt theo hình đã vẽ sẵn.
Thích đến đâu máu tươi ứa ra đến đó. Hầu hết, chỉ sau một giờ đã sưng vù lên, đau đớn phát sốt. Có kẻ ốm o phát rét phải dùng đến tân dược chống phù nề và chống nhiễm trùng. Phải đến một tuần sau hình xăm mới hiện màu xanh đen. Nhà sư hành xác để tu hành, giác ngộ, luyện công luyện pháp, tích đức từ bi quên mình để cứu độ chúng sinh. Còn họ, xăm hình là xác lập vị thế đầu đàn, là “khắc cốt xăm da” để nuôi lòng thù hận rồi trả thù, là a dua học đòi bắt chước, là khẳng định cái tôi bất chấp luật đời phải trái.

Từ xăm hình đến họa bì
Xăm người đạt đến nghệ thuật, đến ngưỡng gọi là “họa bì” thì phải là người có ý thức về cái đẹp. Từ khi “chiếc máy khắc da” chạy bằng điện do Samuel O'Reilly sáng chế ở New York thì lịch sử xăm hình đã sang chương mới, từ thủ công đến công nghiệp xăm hình nghệ thuật. Càng ngày, đời sống càng cao, con người tìm cách thụ hưởng hết thành quả lao động của mình thỏa mãn nhu cầu làm đẹp, ý thích cá nhân, PR hình ảnh của mình. Dễ nhận thấy hình xăm nhất là trong làng giải trí.
Từ bụng kéo sang lưng siêu sao Hollywood Angelina Jolie là hình xăm con rồng nhe nanh vuốt. Ở cánh tay phải ngôi sao bóng đá Diego Maradona xăm chân dung Che Guevera thể hiện lòng cảm phục người anh hùng cách mạng Mỹ La tinh. Cầu thủ đang nổi tiếng Công Vinh nhân chuyến tập huấn bóng đá ở Bồ Đào Nha cũng đã kịp xăm hình chiến binh La Mã lên bắp tay phải. Cái đẹp mang cái tôi bản ngã làm cho họ đẹp hơn trong cá tính lao động nghề nghiệp.
Nhà thơ, triết gia Ralph Emerson người Mỹ thế kỉ XIX nói rằng: “Yêu cái đẹp là thưởng thức. Tạo ra cái đẹp là nghệ thuật”. Nghệ thuật “họa bì” lấy cảm hứng từ da thịt con người và làm cho con người đẹp hơn. Còn gì đắm say, ấm nóng hơn khi xăm một cánh hoa hồng mỏng manh trên làn da trắng nõn nơi chân vú thiếu nữ mười bảy? Còn gì gợi cảm tinh tế hơn khi vẽ một con bướm nhỏ xinh xinh như thể đang đậu khẽ khàng trên vai trần thiếu phụ một con?
Đi ngoài đường, đôi khi chúng ta thường bắt gặp những vẻ đẹp tinh tế ở các cô gái, chàng trai mang hình xăm màu xanh đen, hoặc màu đen, hay màu xanh phối với hồng nhạt... có ý thức làm đẹp. Con gái nội tâm, nhẹ nhàng tinh tế, kín đáo một chút thì tìm đến hình xăm có vẻ giản đơn mang tính biểu tượng, hoặc thơ mộng e ấp nơi kín đáo như ngực, eo hông, dưới rốn hoặc cuối lưng. Nàng nào mạnh bạo, ưa thể hiện cá tính thì chẳng ngại ngần xăm hình trên cánh tay trần, bắp chân, hoặc cổ chân.
Xăm hình quả táo nhỏ, dưới là hai chữ “Trái cấm” ở ngực nửa như cảnh báo, nửa như mời gọi bạn trai. Trong cuộc sống ái ân giường chiếu, e ấp một hình xăm thần vệ nữ nhỏ nhắn có cánh bay điểm xanh mờ ở bụng dưới, hoặc hình xăm con bướm nhỏ xinh xắn trên làn da trắng mịn má trong đùi trần người đẹp thì sẽ gợi cảm thăng hoa biết dường nào. Ai mà hưng phấn nổi nếu các vị trí gợi cảm ấy lại là hình xăm cái đầu lâu xương chéo hay con hắc xà đang thia lia lưỡi?
Các chàng trai trẻ hướng ngoại thường xăm ở nơi da thịt hở: bắp tay, cổ tay, ngực, lưng thể hiện cá tính mạnh mẽ, khỏe khoắn. Nhiều chàng xăm con số ngày sinh tháng đẻ, hoặc ngày nhập ngũ ở cổ tay, đôi khi xăm thêm hai chữ “Vào đời” ở bắp tay như một kỷ niệm khắc khoải ghi dấu nhắc nhở đừng quên. Có nhiều cách thể hiện tình yêu, nhưng xăm dòng chữ Anh: “I love you”, hoặc “Dont for get me” lên lưng, hay lên bụng là loại người nồng nàn, lãng mạn để chứng minh mình đang yêu, đang hạnh phúc. Xăm tên người tình trên thân thể cũng là mốt chứng tỏ lời thề không lời bất diệt, hoan nghênh tuổi trẻ tình yêu.
Nhưng than ôi, sự nông nổi luôn đi với bẽ bàng, rất dễ trả giá đắt khi người kia phản bội, sẽ đành phải mò đến trung tâm thẩm mỹ... xóa tên kẻ phản trắc. Cũng y như người đàn bà gợi cảm nhất thế giới Angelina Jolie chót xăm hình con rồng Trung Hoa và cái tên Billy Bob trên tay trái gần vai; khi cơm không lành canh chẳng ngọt, mỗi người một ngả đành phải xóa cái tên người chồng cũ Bob ra khỏi thân thể ngọc ngà của mình. Không xóa thì thằng đàn ông có lòng kiêu hãnh nào chịu nổi, (dù là Brad Pit - người đàn ông đại lượng, gợi cảm, nam tính hấp dẫn nhất hành tinh) mỗi khi quấn quýt, ôm ấp là mỗi lần chằm bặp cái tên người tình cũ của nàng.
Ở showbiz Việt, cũng không thiếu ngôi sao xăm hình nghệ thuật. Ca sĩ T.T xăm hình thiên thần nhỏ, ca sĩ D.M cũng xăm cây thánh giá, chuỗi hạt ở sau lưng và con cá chép ở bắp tay. Họ xăm hình nghệ thuật không chỉ là nhu cầu làm đẹp mà còn là khát vọng bộc lộ cái tôi. Giờ đây, trong showbiz Việt người người xăm hình, nhà nhà xăm hình làm mới hình ảnh.
Ca sĩ Ư.H.P tốn công xây dựng hình ảnh nam tính sexy với việc khoe body chuẩn, hình xăm đại bàng ở cánh tay gần vai và ở lưng gần gáy cũng là một nỗ lực làm mới, thay đổi phong cách nghệ thuật và cải thiện hình ảnh. Nhưng dường như hình xăm không phải lúc nào cũng hữu hiệu, cứu được giọng hát của chàng sau thời hào quang đã mất.
Nước ta, có tập tục xăm hình từ thời cha Rồng mẹ Tiên dựng nước hàng ngàn năm trước. Pháp luật nước ta cũng không cấm việc xăm hình. Xăm hình nghệ thuật làm cho thân thể mình đẹp thêm, cho cái tôi đồng hành với cá tính lao động sáng tạo thì nên làm. Còn xăm hình đến mức vô lối, quái đản, hoặc dâm đãng, bệnh hoạn thì dứt khoát phải ngăn chặn. Nó làm cho chúng ta phát khiếp, nó không làm đẹp cho xã hội mà có nguy cơ làm tăng tội phạm.

Thế mới biết từ xăm người đến họa bì còn phải phấn đấu... mướt mồ hôi!

Theo: Petrotimes.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét