Quảng cáo

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Nói là tiền bồi dưỡng Công An chỉ đủ Bánh Mì ăn sáng

Nói là tiền bồi dưỡng Công An chỉ đủ Bánh Mì ăn sáng Bộ Giao thông Vận tải lý giải việc nghỉ Tết sớm 2 ngày để giảm áp lực tàu xe, máy bay và bảo đảm an toàn giao thông


Ngày 2/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2013.
Làm bù 2 ngày trước và sau Tết
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất phương án nghỉ trước Tết 2 ngày và kỳ nghỉ kéo dài 9 ngày liên tục. Người lao động phải đi làm bù vào thứ bảy, chủ nhật trước Tết. Bộ Giao thông Vận tải lý giải việc nghỉ Tết sớm 2 ngày để giảm áp lực tàu xe, máy bay và bảo đảm an toàn giao thông. “Nghỉ sớm còn tạo điều kiện để bà con có thời gian mua sắm Tết được chu tất thay vì như mọi năm, công chức, viên chức phải “cắt xén” giờ làm việc và người lao động thì hối hả ngày cuối năm. Nghỉ sớm sẽ “cân đối” được bia rượu, hạn chế phần nào tai nạn giao thông” - Bộ trưởng Đinh La Thăng liệt kê thêm hàng loạt lợi ích khác.
Đề xuất trên nhận được sự đồng thuận của nhiều thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền, nếu yêu cầu người lao động làm bù thứ bảy, chủ nhật trước Tết là vi phạm Bộ Luật Lao động. Vì thế, chỉ nên bố trí làm bù 1 ngày thứ bảy trước Tết và 1 ngày thứ bảy sau Tết.
Chốt lại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quyết định phương án thực hiện hoán đổi ngày nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ Tết liên tục trong 9 ngày, từ 28/1 (28 tháng chạp) đến hết 5/2/2014 (mùng 6) và phải làm bù 1 ngày thứ bảy trước Tết và 1 ngày thứ bảy sau Tết.
 - 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ ngày 2/12 Ảnh: Nhật Bắc
Tiền bồi dưỡng CSGT mua được 1 cái bánh mì (!)
Tại cuộc họp, Chính phủ cũng cho ý kiến về sử dụng khoản tiền phạt của CSGT. Theo phương án của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tiền phạt vi phạm giao thông 30% để lại địa phương, 70% đưa lên trung ương cũng chi lại toàn bộ cho lực lượng công an để điều hòa chung. Trong 11 tháng đầu năm 2013, số tiền phạt vi phạm giao thông cả nước là 2.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết để hạn chế được 3 tiêu chí tai nạn giao thông như vừa qua có sự tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT song do lực lượng còn mỏng nên phải căng kéo bám đường và nếu chia bình quân chỉ tính riêng quốc lộ, mỗi CSGT phải đảm đương 70 km đường và chia nhau trực 24/24 giờ. “Nhưng dư luận lại hiểu không đúng, tưởng rằng phạt vi phạm giao thông nhiều CSGT được hưởng. Thực ra mỗi ca trực, tiền bồi dưỡng của mỗi chiến sĩ chỉ mua được 1 cái bánh mì. Số tiền xử phạt theo quy định phải nộp về cho Bộ Tài chính” - Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, nhiều tỉnh có số thu từ xử phạt vi phạm giao thông rất ít như Đắk Nông chỉ vài tỉ đồng; còn TP Hà Nội, TP HCM là mấy trăm tỉ đồng. “Vì thế, nếu chuyển tiền phạt về Bộ Công an để cân đối, điều hòa sẽ thuận lợi hơn” - Bộ trưởng đề nghị. Ông Trần Đại Quang cho rằng có nguồn kinh phí này sẽ tăng bồi dưỡng cho CSGT trực tuần tra, đồng thời bù thêm vào xăng xe, mua thêm camera, xe tuần tra, máy đo độ cồn…
Thủy điện không an toàn là loại bỏ
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng báo cáo về rà soát quy hoạch thủy điện, Thủ tướng chỉ đạo đối với 268 thủy điện đang hoạt động, phải tổng kiểm tra an toàn hồ đập và Bộ trưởng Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra lại việc đại biểu Quốc hội nêu còn người dân nhường đất làm thủy điện Thác Bà từ mấy chục năm trước vẫn chưa có điện dùng hay đời sống bà con lòng hồ thủy điện Hòa Bình vẫn rất khó khăn. “Nếu đúng có chuyện như vậy thì phải có giải pháp hỗ trợ ngay, đồng thời xây dựng chính sách đặc thù đối với bà con nhường đất cho thủy điện, đơn cử như yêu cầu chủ đầu tư phải trích quỹ trước thuế” - Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn tất sớm quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa. Sau đó, chủ tịch UBND tỉnh, thành buộc chủ đầu tư thực hiện đúng và phải chịu trách nhiệm việc xả lũ, tích nước của các hồ thủy điện trên địa bàn.
Đối với 205 nhà máy đang xây dựng, Bộ Xây dựng phải kiểm soát chặt cả thủy điện nhỏ chứ không chỉ những thủy điện có công suất từ 50 MW trở lên như trước đây. Các thủy điện phải có phương án bảo đảm an toàn mới được triển khai tiếp, đồng thời rà soát lại phương án tái định cư.
Đối với 348 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch, Thủ tướng cũng quyết định chấm dứt việc phân cấp cho địa phương và chịu trách nhiệm thẩm tra thiết kế kỹ thuật là Bộ Công Thương. “Bây giờ thủy điện là từ cực này sang cực khác rồi, không an toàn là dứt khoát loại bỏ. Thẩm định cho chặt từ vấn đề an toàn, trồng lại rừng, quy trình vận hành cả mùa khô, mùa mưa…” - Thủ tướng yêu cầu.
Lạc quan về kinh tế
Về tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm và cả năm 2013, Thủ tướng nhìn nhận nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển theo đà dự báo. Đáng chú ý là tháng 11, chỉ số công nghiệp và xuất khẩu tăng mạnh (11 tháng đạt trên 121 tỉ USD, tăng 16,2%). Đặc biệt là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, cả năm có khả năng dừng ở mức 6,5%, thấp hơn 2012 (6,81%). “Năm nay tăng trưởng GDP có khả năng đạt mức 5,4%” - Thủ tướng lạc quan.
Thủ tướng cho biết trong tháng 12 sẽ không tính đến chuyện tăng giá điện và yêu cầu các bộ, ngành phải tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô; không để giá cả tăng đột biến, đặc biệt hàng hóa tiêu dùng dịp trước Tết Nguyên đán; tập trung lo Tết cho đối tượng nghèo, chính sách, đồng bào nơi bị thiên tai.

Bạn xem tin trên tiêu điểm: http://blogtieudiem.blogspot.com/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét