Quảng cáo

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Dịch sởi hoành hành các mẹ phải làm gì để giúp bé?

Diễn biến bất thường của dịch sởi trong những ngày gần đây. Theo các chuyên gia y tế, tuy sởi là bệnh lành tính nhưng nếu chủ quan sẽ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, thậm chí bệnh nhân có thể tử vong.

 
Bé Tú 8 tháng tuổi nhiễm sởi nhập Bệnh viện Nhi T.Ư
Bé Tú 8 tháng tuổi nhiễm sởi nhập Bệnh viện Nhi T.Ư

Bùng phát trên diện rộng

Phòng điều trị của Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư chỉ rộng chừng 12m2, nhưng có tới hơn chục bệnh nhi bị sởi. Trung bình 3 bệnh nhân nằm chung một giường, chưa kể người thân chăm sóc. Chị Lê Thanh, mẹ bệnh nhân Minh Thu (2 tuổi), trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Cháu sốt cao 3 ngày liên tục, phát ban đỏ khắp người, đi ngoài nữa... Nghĩ con bị sốt thông thường nên chỉ cho hạ sốt. Sang ngày thứ 3, thấy cháu cứ lả đi, nên tôi đưa con tới viện mới biết cháu bị sởi biến chứng viêm phổi”. Chi Thanh cho biết thêm, lúc bé Thu được 18 tháng, trạm y tế phường có gọi đi tiêm vaccine sởi nhưng bé mọc răng hàm, sốt quá nên không cho đi tiêm.
 
"Theo chu kỳ cứ 3-5 năm, dịch sởi lại bùng phát trở lại. Năm 2006 cũng xảy ra một đợt dịch sởi với 3.000 trẻ mắc, năm 2009-2010 tiếp tục xảy ra dịch với 7.500 ca trên cả nước và từ cuối năm 2013 đến nay, dịch tái xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành. Ngoài đối tượng trẻ em, người lớn trên dưới 30 tuổi cũng mắc sởi. Việc tiêm ngừa vaccine mũi 1 khi trẻ 9 tháng mới đảm bảo bảo vệ phòng bệnh cho 80-85% số trẻ, nếu tiêm thêm mũi thứ 2 khi trẻ 18 tháng tuổi sẽ nâng tỉ lệ được bảo vệ lên 95%”.
GS.TS. Nguyễn Trần Hiển
Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư
Cùng phòng với bé Thu, bé Tú (mới 8 tháng tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) nhập viện cách đây 3 ngày trong tình trạng sốt cao, phát ban đỏ khắp người, đi ngoài, bỏ ăn và quấy khóc. Chị Mai, mẹ bé cho hay: “Tháng sau mới đến lịch con được tiêm phòng vaccine sởi. Mấy ngày Tết, gia đình cũng không cho con tới chỗ đông người, không hiểu sao vẫn dính dịch sởi?”

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết, một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhân sởi tăng rất nhanh, riêng tháng 1/2014, có 67 bệnh nhân nhập viện vì sởi có biến chứng. Từ đầu tháng 2 tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 100 trẻ mắc sởi. “Hầu hết những bệnh nhân mắc sởi đều chưa tiêm phòng vaccine sởi. Bệnh sởi thông thường chỉ xảy ra đối với trẻ trên 9 tháng tuổi, tuy nhiên, trong đợt dịch này tỷ lệ trẻ dưới 9 tháng tuổi nhiễm bệnh sởi khá cao. Nguyên nhân do miễn dịch từ mẹ chưa đủ để bảo vệ trẻ, hoặc trước đó các bà mẹ này chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đầy đủ nên khả năng bảo vệ thấp...”, bác sĩ Lâm nhận định.

Còn tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng la liệt các bệnh nhi sởi. Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, khoảng một tuần trở lại đây, có ngày khoa tiếp nhận 15-20 trẻ bị sốt phát ban, hầu hết có các biểu hiện ho, sốt cao, mắt kèm nhèm (viêm kết mạc) và xuất hiện ban đỏ toàn thân.

Theo Bộ Y tế, riêng tháng 1/2014, cả nước đã có 241 trường hợp mắc bệnh sởi ở 24 tỉnh, thành phố và hiện đã có 3 trường hợp tử vong. Theo điều tra dịch tễ, có tới 80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng vaccine sởi.

Tiêm vaccine để phòng bệnh

PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng Đông - Xuân. Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi, họng bệnh nhân. Người mang mầm bệnh có thể lây sang người khác ngay cả trong thời gian ủ bệnh. Những người chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm đủ vaccine sởi đều có nguy cơ mắc bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, tuy sởi là bệnh lành tính, nhưng không nên chủ quan, bởi biến chứng sau sởi rất nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Vì thế, khi trẻ có biểu hiện sốt, phát ban dạng sởi, bắt đầu ở mặt sau lan dần xuống chân, tay, kèm theo viêm kết mạc mắt, viêm đường hô hấp thì cha mẹ nên nghĩ đến bệnh sởi.

Khi trẻ đã mắc bệnh, điều đầu tiên là chăm sóc thật tốt dinh dưỡng (ăn thức ăn loãng, dễ tiêu, uống nhiều nước trái cây), hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ (không kiêng tắm như dân gian). Nếu trẻ không biến chứng, có thể để trẻ cách ly ở nhà, chăm sóc và theo dõi sát. “Lưu ý, nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, viêm phổi, suy hô hấp... thì đưa con đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Lâm khuyến cáo.
“Sởi là một bệnh rất dễ lây. Người không được tiêm vaccine hay chưa từng mắc sởi trước có tiếp xúc với bệnh nhân thì khả năng bị bệnh rất cao. Chính vì vậy, khuyến cáo mọi người bất cứ ở lứa tuổi nào nếu chưa mắc sởi bao giờ hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi nên đi tiêm phòng vaccine. Đó là cách phòng bệnh hiệu quả nhất”, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét