Hơn 6 tháng trước, trong cuộc làm việc đầu tiên với Ban Kinh tế Trung ương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có giao đề bài rằng tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục rất khó khăn, đặt ra những câu hỏi lớn và Ban Kinh tế Trung ương phải cố gắng đưa ra cho được lời giải đúng.
Ảnh sưu tầm - blog tiêu điểm |
Giá trị của những lời giải này, không chỉ được đo đếm bằng những sách lược kịp thời, có tính đột phá để đưa đất nước phát triển bền vững, mà còn là minh chứng cho tính đúng đắn trong quyết định của Trung ương Đảng về việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương, theo Tổng bí thư.
Cần có dũng khí
“Nhìn thẳng vào thực tế, trong lịch sử lãnh đạo thì Đảng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế. Trong khi, trên con đường phát triển đất nước theo định hướng tăng trưởng kinh tế phải gắn với công bằng xã hội, đã đặt ra nhiều vấn đề gai góc, phức tạp, đòi hỏi Đảng phải có cơ quan tham mưu chiến lược giỏi về kinh tế”, Tổng bí thư nói, “vì vậy, việc kiện toàn cơ quan tham mưu chuyên trách của Đảng về kinh tế không chỉ là yêu cầu cấp bách trước mắt, mà còn là một yêu cầu lâu dài đối với sự phát triển bền vững nền kinh tế đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng-an ninh vững chắc”.
Trong giai đoạn “về đích” trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Tổng bí thư yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương phải là một đầu mối thu hút, tổng hợp, chưng cất chất xám, trí tuệ, kết quả nghiên cứu của các cơ quan, đơn vị khác về các vấn đề kinh tế - xã hội... để cung cấp những thông tin có chất lượng cao nhất cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đặc biệt, Ban phải thâm nhập ngay từ đầu các đề án kinh tế - xã hội trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương Đảng, để tạo nên tiếng nói đồng thuận giữa các cơ quan tham mưu ngay từ đầu trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tổng bí thư lưu ý, “Ban cần hiểu rõ sứ mệnh, vai trò của bộ phận cấu thành bộ não Trung ương về kinh tế, xã hội. Mỗi cán bộ của Ban vừa là cán bộ khoa học, nhưng cũng vừa là cán bộ chính trị, đòi hỏi phải có tầm nhìn xa rộng, phương pháp làm việc khách quan toàn diện, làm việc bằng say mê, nhiệt huyết và có dũng khí bảo vệ cái đúng”.
Cũng tại buổi làm việc đó, Tổng bí thư còn nhắn nhủ: “Bộ Chính trị và Ban Bí thư rất quan tâm lắng nghe, đánh giá cao các ý kiến đề xuất và thẩm định của Ban Kinh tế Trung ương. Ban Kinh tế Trung ương có những đánh giá khách quan, chân thực, có nhiều đề xuất mới rất thiết thực và sáng tạo về những vấn đề gai góc, phức tạp, nhạy cảm mà toàn dân, toàn Đảng đang rất quan tâm”.
Hai tháng sau cuộc làm việc này của Tổng bí thư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có cuộc làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. Thủ tướng nhấn mạnh “Chính phủ hết sức ủng hộ, chủ động phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ, vì mục đích chung là xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì tiến bộ và công bằng xã hội”.
Từng có thời gian lãnh đạo cơ quan này, Thủ tướng khẳng định việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương là cần thiết vì Đảng lãnh đạo kinh tế, lãnh đạo toàn xã hội, nhà nước.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá mặc dù vừa tái lập còn nhiều khó khăn, nhưng Ban Kinh tế Trung ương đã chú trọng triển khai đồng thời hai nhiệm vụ cơ bản: vừa xây dựng, phát triển tổ chức bộ máy, nhân sự, quy chế làm việc, vừa triển khai thực hiện các nhiệm vụ thẩm định, nghiên cứu đề xuất theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bước đầu đáp ứng được yêu cầu tham mưu về kinh tế-xã hội cho Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo Thủ tướng, đứng trước những thách thức lớn trong việc tìm động lực mới cho sự phát triển kinh tế cũng như đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội, Ban Kinh tế Trung ương phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa để làm tốt công tác tham mưu của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực kinh tế - xã hội.
3 “vừa” và 3 “hơn”
6 tháng sau, tổng kết lại hành trình những việc làm được và chưa làm được, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện được “3 vừa”: Vừa đảm bảo hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác theo kế hoạch, vừa đáp ứng các nhiệm vụ đột xuất phát sinh, vừa tập trung cho các nhiệm vụ lớn, quan trọng về tổng kết 30 năm đổi mới và phục vụ các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XII.
Theo đó, đã có một loạt báo cáo được Ban hoàn thành trong 6 tháng qua như Báo cáo “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, gửi Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương đúng tiến độ và chất lượng được đánh giá tốt; Báo cáo “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” trình lãnh đạo Nhóm Kinh tế và gửi Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới của Trung ương...
Hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các báo cáo thẩm định quan trọng thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội trong kế hoạch 6 tháng đầu năm 2014 trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư như Báo cáo thẩm định Báo cáo sơ kết Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Báo cáo góp ý về Tờ trình và Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư khoá X về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”; Báo cáo thẩm định Báo cáo tổng kết thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị (khoá XIII) về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Báo cáo về việc thẩm định các đề án “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đến năm 2020”, “Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”...
Mục tiêu chính trong kế hoạch công tác năm 2014 của Ban Kinh tế Trung ương là nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới và chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Sau nửa năm theo đuổi mục tiêu này, ông Huệ nhìn nhận là “hết sức nỗ lực” và trong chặng đường nửa năm còn lại, Ban Kinh tế Trung ương xác định sẽ còn tiếp tục nỗ lực với tinh thần cao hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn.
Với nỗ lực 3 “hơn”, một loạt đầu công việc đã được sẵn sàng cho 6 tháng cuối năm như hoàn thiện dự thảo Báo cáo, tờ trình Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung cao độ để triển khai và hoàn thành công tác tham mưu đề xuất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; chủ động nghiên cứu, có kế hoạch dành thời gian, nhân sự để sẵn sàng tham gia ý kiến vào các văn kiện, tài liệu phục vụ Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi có yêu cầu...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét